Trẻ nhỏ với hệ miễn dịch chưa hoàn chỉnh là “mục tiêu” lý tưởng cho các loại vi khuẩn, virus nhắm đến. Khi trẻ mắc bệnh, thường diễn tiến nặng, nguy cơ biến chứng và tử vong cao. Tăng đề kháng cho bé là mối trăn trở của nhiều bậc phụ huynh.
Vắc xin là chế phẩm có tính kháng nguyên có nguồn gốc từ vi sinh vật gây bệnh hoặc vi sinh vật có cấu trúc kháng nguyên giống vi sinh vật gây bệnh, đã được bào chế đảm bảo độ an toàn cần thiết, làm cho cơ thể tự tạo ra tình trạng miễn dịch chống lại tác nhân gây bệnh.
Cơ chế phòng bệnh của vắc xin là “bắt chước” quá trình gây bệnh tự nhiên của tác nhân gây bệnh (vi rút, vi khuẩn…) nhằm giúp cơ thể chống lại căn bệnh đó khi có sự xâm nhập của vi rút, vi khuẩn. Cụ thể, khi được đưa vào cơ thể, vắc xin kích thích hệ thống miễn dịch sản xuất ra một chất đặc hiệu (được gọi là kháng thể) để chủ động tấn công hay tiêu diệt tác nhân gây bệnh.
Tiêm chủng vắc xin là một trong những biện pháp an toàn nhất, hiệu quả nhất để phòng bệnh, tăng cường sức đề kháng và nâng cao chất lượng cuộc sống, không chỉ cho trẻ em mà còn cho cả người lớn. Tiêm chủng không những có vai trò lớn trong miễn dịch của cá thể mà còn bảo vệ sức khỏe cộng đồng, giúp ngăn chặn dịch bệnh bùng phát.
Dinh dưỡng là một trong các yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến sự phát triển và sức đề kháng của mỗi đứa trẻ. Thế nhưng, trên thực tế, tỷ lệ trẻ biếng ăn, suy dinh dưỡng, thấp còi tại Việt Nam cao hơn mức trung bình của nhiều quốc gia trên thế giới nói chung và trong khu vực nói riêng. Có đến 40% trẻ em 2-3 tuổi tại Việt Nam biếng ăn, mỗi năm có hơn 230.000 trẻ em dưới 5 tuổi thiếu dinh dưỡng cấp, 50% trẻ Việt Nam dưới 5 tuổi thiếu vi chất dinh dưỡng như kẽm, thiếu máu do thiếu sắt, thiếu vitamin A tiền lâm sàng
Nguồn dinh dưỡng tăng cường đề kháng cho trẻ sơ sinh là sữa mẹ. Bên cạnh nguồn dinh dưỡng cần thiết cho trẻ trong những tháng đầu đời, sữa mẹ còn chứa kháng thể có được nhờ việc tiêm vắc xin trước mang thai, giúp bảo vệ bé trước nhiều bệnh lý nhiễm trùng khác nhau. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ cần được bú mẹ hoàn toàn ít nhất trong 6 tháng đầu đời.
Ở nhóm trẻ lớn hơn, cần cho trẻ uống đủ nước, bữa ăn hằng ngày phải đầy đủ 4 nhóm chất dinh dưỡng chính gồm tinh bột, đạm, lipid, các vitamin và khoáng chất. Đặc biệt, để tăng cường đề kháng cho trẻ, bữa ăn hằng ngày không được thiếu kẽm trong cua, tôm, gan, thịt bò và các loại ngũ cốc. Rau củ, rau quả tươi chứa nhiều vitamin và hạn chế tình trạng táo bón ở trẻ. Ngoài ra, các loại đậu, sữa chua, ngũ cốc nguyên cám cũng rất quan trọng trong thực đơn hằng ngày.
Hiện nay, khi thấy trẻ ốm, nhiều bậc cha mẹ hay mua thuốc cho trẻ uống mà không tuân theo chỉ định của bác sĩ. Công dụng của thuốc kháng sinh là diệt vi khuẩn và không có tác dụng với virus trong khi đó hiện nhiều bệnh như cảm cúm đều do tác nhân virus gây ra. Việc dùng thuốc kháng sinh bừa bãi, đặc biệt là sử dụng các loại thuốc kháng sinh liều cao, phổ rộng dài ngày sẽ dẫn đến nhiều hậu quả.
Ví dụ vi khuẩn bị kháng thuốc dẫn đến không đáp ứng điều trị hoặc phải đổi thuốc khác gây kéo dài thời gian nằm viện, tốn kém chi phí, thuốc tiêu diệt cả những vi khuẩn có lợi cho cơ thể…. Trẻ uống kháng sinh bừa bãi còn có thể bị tổn thương gan thận, loạn khuẩn đường ruột, suy giảm miễn dịch.
Giữ vệ sinh cá nhân giúp trẻ tránh khỏi nguy cơ tiếp xúc, xâm nhập của các tác nhân gây bệnh, bảo vệ các tế bào miễn dịch. Cần dạy bé thói quen rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn, sau khi đi về nhà và sau khi đi vệ sinh.
Ngoài ra, vi khuẩn, virus thường xâm nhập cơ thể qua mắt, mũi, miệng. Ba mẹ nên nhắc nhở con không đưa tay bẩn lên mắt hoặc ngoáy mũi, bỏ thói quen mút tay hoặc cắn móng tay (nếu có). Trẻ trên 2 tuổi nên học cách tự vệ sinh răng miệng sau bữa ăn và 2 buổi sáng, tối mỗi ngày. Thời gian đánh răng tối thiểu 1 phút và tối đa 3 phút, vệ sinh răng, cả vùng trong má, vòm miệng cùng chải lưỡi.
Ngủ đủ giấc không chỉ giúp bé phát triển tốt thể chất và trí não, mà còn tăng đề kháng cho bé hiệu quả. Khi ngủ, cơ thể sẽ tự tiến hành sửa chữa các mô tổn thương, tăng tiết hormone cải thiện sức đề kháng, kháng viêm, kháng nhiễm trùng. Tùy theo từng lứa tuổi mà ba mẹ cho bé ngủ từ 9 tới 12 tiếng mỗi ngày. Để cải thiện chất lượng giấc ngủ, nên cho bé ngủ trong không gian yên tĩnh, hạn chế ánh sáng và duy trì độ ẩm thích hợp nhằm giúp bé không gặp khó khăn khi hô hấp.
Tập luyện thể dục, thể thao thường xuyên giúp trẻ tăng cường trao đổi chất, chuyển hóa năng lượng, có lợi cho xương khớp. Không chỉ tăng cường đề kháng cho bé, qua các nghiên cứu cho thấy, những đứa trẻ thường xuyên rèn luyện thể lực với các hoạt động thể dục, thể thao có khả năng tiếp thu kiến thức và xử lý vấn đề tốt hơn những trẻ không có thói quen này.
Kiểm tra sức khỏe định kỳ giúp ba mẹ nắm được tình trạng sức khỏe của bé, đặc biệt là sự tăng trưởng về thể chất, tinh thần. Kiểm tra sức khỏe định kỳ đặc biệt quan trọng trong 1000 ngày đầu đời của trẻ. Trong giai đoạn này, nếu trẻ được theo dõi và chăm sóc kỹ lưỡng về sức khỏe và dinh dưỡng, trẻ sẽ phát triển tối đa trong giai đoạn hiện tại, đồng thời tác động lâu dài đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ trong quá trình trưởng thành.
Để được tư vấn thăm khám trực tiếp Phòng khám nhi Họa Mi với Ts – Bs Lê Thị Thu Hương, Quý Khách vui lòng bấm số HOTLINE 0918884666 hoặc đăng ký lịch trực tuyến TẠI ĐÂY.
Tìm hiểu thêm thông tin y khoa:
Chat trực tiếp Fanpage Bác sĩ Hương
Facebook Fanpage Bác sĩ Hương
Kênh Youtube Bác sĩ Hương